Lập kế hoạch ăn uống cho gia đình, kiểm tra các chỉ số sức khỏe, tăng cường hoạt động thể chất giúp trẻ ngăn ngừa bệnh tiểu đường.
Bệnh tiểu đường không phân biệt độ tuổi và ngày càng có nhiều trẻ em chịu ảnh hưởng từ căn bệnh này. Tuy nhiên, có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường ở trẻ bằng cách áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh, thay đổi lối sống gia đình.
Lập kế hoạch ăn uống cho gia đình
Trẻ cần được ăn nhiều loại rau không chứa tinh bột như ớt chuông, bông cải xanh, măng tây, rau bina. Cha mẹ bổ sung thêm cho trẻ ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, bột yến mạch... Bạn nên chọn thịt nạc, các sản phẩm từ sữa ít béo hoặc không có chất béo, thực phẩm ít natri.
Cha mẹ nên hạn chế cho trẻ ăn những thực phẩm có thể gây ra sự thay đổi đột ngột lượng đường trong máu như thức ăn chế biến sẵn, bánh nướng, đồ chiên, thức ăn nhanh, đồ uống có đường. Những món ăn giàu carbohydrate đơn giản như bánh mì trắng hoặc bột mì cũng cần hạn chế với trẻ.
Cả gia đình quay quần trong bữa ăn giúp các con ăn chậm lại, tập trung vào thức ăn và cảm thấy được hỗ trợ khi nỗ lực ăn uống. Người lớn nên tránh cho trẻ xem tivi, thiết bị điện tử khi ăn.
Ăn cùng nhau có thể giúp trẻ ngăn ngừa nguy cơ mắc tiểu đường. Ảnh: Freepik
Hoạt động thể chất
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo mọi trẻ em nên tham gia ít nhất 60 phút hoạt động thể chất mỗi ngày. Các hoạt động có thể bao gồm đi bộ, chạy bộ, nhảy dây, lắc vòng, yoga kéo giãn, học võ, múa bale và khiêu vũ,... Hoạt động thể chất cũng có thể được kết hợp vào hoạt động gia đình như đi dạo, bơi lội, chèo thuyền...
Kiểm tra các chỉ số liên quan
Người lớn nên cho trẻ kiểm tra các dấu hiệu phổ biến của tiểu đường như cholesterol, chất béo trung tính hoặc huyết áp.
Cholesterol: CDC Mỹ cho biết 47% trẻ mắc tiểu đường có mức cholesterol cao. Chỉ số này khiến trẻ có nguy cơ mắc bệnh tim và suy tim cao hơn người khác.
Chất béo trung tính: Bệnh tiểu đường không được kiểm soát là một yếu tố nguy cơ dẫn đến chất béo trung tính trong cơ thể cao. Chất béo trung tính cao có thể dẫn đến hội chứng chuyển hóa - một nhóm các yếu tố gây ra các tình trạng như đột quỵ, bệnh tim và tiểu đường.
Huyết áp: Cứ 25 trẻ em từ 12-19 tuổi thì có một trẻ bị cao huyết áp và 1/10 bị tiền tăng huyết áp. Đây là một dấu hiệu cảnh báo bệnh cao huyết áp trong tương lai. Huyết áp cao và bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Người lớn nên theo dõi huyết áp cho trẻ em trên 3 tuổi thường xuyên.
Ngoài ra, căng thẳng cũng có ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của trẻ. Đây là một yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường ở trẻ em. Dù căng thẳng không gây ra bệnh tiểu đường nhưng lại ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, khiến việc kiểm soát bệnh tiểu đường trở nên khó khăn hơn.
Các yếu tố khác có thể làm tăng tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường ở trẻ em gồm: thừa cân béo phì, lối sống ít vận động, thay đổi nội tiết tố dậy thì, tiền sử gia đình có người mắc tiểu đường, mẹ ruột bị tiểu đường thai kỳ, trẻ có tình bệnh lý gây ra kháng insulin...
![]() ![]() ![]() |
© Copyright 2010 - 2023
Email: info@nuoicon.com
Nuoicon.com là Chuyên trang Thông tin kiến thức dành cho mẹ