Đồ ăn vặt, nước ngọt được bán tràn lan ở khắp các cổng trường học. Điều đáng nói mặt hàng này thường có giá rất rẻ nhưng chủ yếu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đây là nguy cơ dẫn đến xảy ra nhiều vụ ngộ độc cho các em học sinh như vụ ngộ độc mới đây ở Cao Bằng.
1. Nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ các loại nước ngọt không rõ nguồn gốc
Các loại đồ ăn, thức uống bán ở cổng trường học rất phong phú nhưng phần lớn các mặt hàng này thường không rõ nguồn gốc xuất xứ và không được kiểm nghiệm xem trong đó có chứa thành phần độc hại nào không.
Đặc biệt, những đồ uống bắt mắt, rẻ tiền ở cổng trường luôn hấp dẫn trẻ nhỏ. Đó là một trong những nguyên nhân chính gây ngộ độc thực phẩm làm ảnh hưởng đến sức khỏe của các em học sinh.
Thời gian gần đây, một số trường học ở vùng cao của tỉnh Cao Bằng đã xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm do học sinh uống các loại nước ngọt rẻ tiền, không rõ nguồn gốc xuất xứ, có chữ nước ngoài in trên nhãn mác.
Theo báo cáo của UBND huyện Bảo Lạc, chiều 21/9 có 8 học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú và Trung học cơ sở Cốc Pàng, xã Cốc Pàng bị đau đầu, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy và được đưa đến Trạm y tế xã điều trị. Trước đó, các em ra cổng trường mua chai nước ngọt có in chữ nước ngoài về uống, sau khi uống khoảng 30 phút xuất hiện các triệu chứng trên. May mắn được điều trị kịp thời nên sức khỏe đã ổn định.
Ngày 23/9, 24 học sinh của trường này tiếp tục mua loại nước ngọt nói trên về uống và xuất hiện các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, được đưa đến Trạm y tế xã, trong đó có 6 em có biểu hiện nặng phải đưa lên TTYT huyện điều trị.
Trước đó ngày 7/9, 25 học sinh của Trường Tiểu học Việt Chu, xã Thống Nhất, huyện Hạ Lang (Cao Bằng) cũng bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn kẹo, uống nước ngọt không rõ nguồn gốc xuất xứ mua ở cổng trường…
Điều trị cho học sinh bị ngộ độc do uống nước ngọt không rõ nguồn gốc tại TTYT tế huyện Bảo Lạc (Cao Bằng).
Theo các chuyên gia y tế, tất cả thực phẩm không rõ nguồn gốc, không được bảo quản, chế biến theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đều có thể gây ngộ độc cho người sử dụng.
Người bị ngộ độc thực phẩm thường có dấu hiệu: buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, có thể sốt, có thể kèm theo các triệu chứng khác như đau đầu, chóng mặt, đau cơ, khó thở...
Các dấu hiệu trên thường xảy ra vài phút, vài giờ, thậm chí một ngày sau khi ăn phải thực phẩm nhiễm độc. Người bị ngộ độc cần được đưa đến cơ sở y tế để xử trí kịp thời.
2. Thực phẩm bẩn không rõ nguồn gốc có thể gây ung thư
Ngoài nguy cơ ngộ độc cấp tính, các loại thực phẩm bẩn không rõ nguồn gốc, sản xuất không đúng quy trình, có thể chứa các hóa chất độc hại tiềm ẩn nhiều nguy hại cho sức khỏe về lâu dài, ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa trong cơ thể, làm tăng nguy cơ gây ra các bệnh mạn tính như béo phì, tim mạch, đái tháo đường, thậm chí gây ung thư.
Theo TS.BS. Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, thực phẩm bẩn là tên gọi chung chỉ những thực phẩm chứa các chất gây hại cho sức khỏe người dùng.
Thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh sẽ dễ bị ô nhiễm bởi các tác nhân lý, hóa, sinh học, nếu được tiêu thụ sẽ gây hại cho cơ thể. Tác động tức thời có thể gây ra ngộ độc thực phẩm với các biểu hiện đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy...
Tuy nhiên nguy hiểm hơn là sự tích lũy lâu dài của các độc tố trong thực phẩm bẩn gây ra những hậu quả mạn tính mà không có biểu hiện ngay ra bên ngoài, nguy hiểm nhất là gây ung thư.
3. Sử dụng nước ngọt thế nào cho an toàn?
Các loại nước ngọt trên thị trường chủ yếu là loại nước có gas, là nước đã được truyền khí carbon dioxide dưới áp lực tạo sủi bọt. Nước ngọt có gas thường được thêm đường, chất tạo ngọt, phụ gia, chất bảo quản, hương liệu để tăng hương vị và tạo màu sắc hấp dẫn. Do đó, loại thức uống này được nhiều người ưa thích, đặc biệt là trẻ em.
Trên thực tế, ngay kể cả với các loại nước ngọt có gas được sản xuất theo đúng tiêu chuẩn thì vẫn không tốt cho sức khỏe, thậm chí nguy hại nếu lạm dụng.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nước ngọt chứa rất nhiều đường và các năng lượng không cần thiết. Trong một chai nước ngọt có gas chứa một lượng đường lớn, tương đương tới 22 gói nhỏ đường dùng để pha cà phê. Nếu tiêu thụ quá nhiều đường sẽ khiến hàm lượng insulin trong cơ thể tăng vọt. Đồng thời gan cũng nhanh chóng biến đường thành chất béo. Đây là nguyên nhân khi thường xuyên uống nước ngọt có gas sẽ khiến chúng ta bị tăng cân, béo phì.
Uống nước ngọt nhiều cũng làm tăng nguy cơ mắc và khó kiểm soát các bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường, loãng xương các bệnh gan, ung thư... Đối với trẻ nhỏ, uống nhiều nước ngọt sẽ làm giảm khả năng hấp thụ canxi, ảnh hưởng tới sự phát triển chiều cao của trẻ...
Do vậy, để bảo vệ sức khỏe, cách tốt nhất nên hạn chế sử dụng nước ngọt có gas. Nếu có sử dụng cũng chỉ nên uống tối đa một lon một ngày và không nên sử dụng thường xuyên. Uống một lon nước ngọt 300ml thôi cũng đã đủ nhu cầu về lượng đường đơn trong cả ngày, chưa kể mỗi ngày chúng ta còn ăn uống các loại thực phẩm chứa đường khác.
Khi mua các sản phẩm nước ngọt nên chọn mua tại các cửa hàng, siêu thị uy tín để được đảm bảo về nguồn gốc sản phẩm. Không nên ham rẻ mà chọn phải các loại nước ngọt kém chất lượng. Đặc biệt, không nên sử dụng các loại nước ngọt được bày bán ở các hàng quán ven đường, bán rong ở cổng trường để tránh mua phải các loại nước ngọt giả, nước ngọt kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
© Copyright 2010 - 2023
Email: info@nuoicon.com
Nuoicon.com là Chuyên trang Thông tin kiến thức dành cho mẹ