Tạp chí Mẹ và Bé - Từ lúc sinh con, tiếng khóc của bé đã trở thành một thứ âm thanh quen thuộc trong đời sống thường ngày của gia đình bạn. Đôi khi, cha mẹ vẫn lúng túng, không hiểu được những “dấu hiệu” trong tiếng khóc của trẻ, nhất là đối với những người làm cha, làm mẹ lần đầu. Đừng coi đó là một áp lực bởi không ai có thể giải mã được tiếng khóc của con chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.
Tuy nhiên, nếu bạn chịu khó quan sát, lắng nghe những âm thanh không mấy… dễ chịu ấy tức là bạn đã từng bước đi vào thế giới của trẻ. Bạn hiểu được con mình muốn gì, cần gì và cha mẹ nên đáp ứng những yêu cầu đó như thế nào. Từ những ngày đầu mới sinh ra, trẻ chưa thể giao tiếp với bố mẹ bằng giọng nói. Vì thế, những tiếng khóc mà bạn thường coi là một sự… phá bĩnh hoá ra lại là cách để trẻ “giao lưu” với bố mẹ và với thế giới bên ngoài.
Dấu hiệu hoàn hảo
Các nhà khoa học đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về tiếng khóc của trẻ và chỉ ra rằng, âm thanh thường nhật đó có ba dấu hiệu cơ bản, là ba tín hiệu hoàn hảo để “hình thành” nên thứ “ngôn ngữ” của trẻ sơ sinh. Đó là tính tự phát, có khả năng… quấy rối, làm phiền, nhưng đồng thời cũng có thể tự điều chỉnh.
Khi mới sinh ra, trẻ khóc như một phản xạ. Tiếng khóc đầu tiên được chào đón trong sự hân hoan của cả gia đình khi trẻ vừa bước vào một thế giới mới: Thế giới bên ngoài bụng mẹ. Dù được thừa nhận là một “ám hiệu” nhưng cha mẹ chưa thể ngay lập tức hiểu được những gì trẻ muốn thông qua tiếng khóc. Cha mẹ cần thời gian, cần phải để ý tới trẻ nhiều hơn nữa để học được cách “giao tiếp” với con mình. Con muốn ăn à, hay con đang khó chịu vì chiếc bỉm quá ẩm ướt? À không, hình như bé đang buồn ngủ. Bé muốn mẹ xoa lưng hoặc bế bé trên cánh tay của mình và ầu ơ ngân lên những câu hát giúp bé cảm thấy dễ chịu, đồng thời “rủ” giấc ngủ đến cho nhanh.
Mẹ mệt lắm rồi vì cả ngày phải quần quật với con, nên tiếng khóc với “thiết kế” kiểu đinh tai nhức óc đôi khi khiến cha mẹ bận lòng. Nhưng vì sao trẻ thường “gào” lên như thế? “Hắn” muốn lôi kéo sự chú ý của cha mẹ đấy mà. Và “hắn” biết, cha mẹ sẽ tìm mọi cách để tiếng khóc của “hắn” ngưng lại. Điều đó có nghĩa là, cha mẹ đang chiều lòng “hắn” đấy. Tuy nhiên, “hắn” cũng thông minh lắm, “hắn” khóc vừa đủ thôi để tiếng khóc khiến cha mẹ phải chạy lại bên “hắn”, nhưng không khủng khiếp tới độ để cho mẹ sợ tiếng khóc ấy mà bỏ “hắn” đi. Đừng tưởng là “hắn” không biết gì. “Hắn” sống chín tháng trong bụng mẹ, tạm đủ để hình thành nên những phản xạ, những mong muốn…, chỉ là “hắn” chưa thể giao tiếp bằng lời nói thôi mà.
Điều gì khiến cho tiếng khóc của trẻ thực sự ấn tượng dù cho nó luôn chứa đựng những “mệnh lệnh” ở bên trong? Đó là tính chính xác ngày càng tăng giúp cho cha mẹ nếu chịu khó quan sát, để ý sẽ hiểu được ngôn ngữ của bé thông qua tiếng khóc. Những âm thanh ấy rất đa dạng, từ độ cao, âm sắc cho đến nhịp điệu và cả sự năng động. Chỉ cần bé cất tiếng khóc, nghe được tiếng nức nở, giằng xé hay đơn giản chỉ là những tiếng mếu máo, cha mẹ đã hiểu được mong muốn con mình: Nào, mẹ đến nhanh đây đi, con đói lắm rồi và đang muốn bú sữa. Và ngay lập tức, để cho bé không phiền lòng và ngừng ngay tiếng khóc, mẹ lại chạy đến bên bé, nhét vào cái miệng xinh xinh ấy một bầu sữa ấm. Tiếng khóc chậm lại, chậm lại rồi ngưng hẳn.
Các nhà khoa học cũng cho biết thêm, mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt nên vì thế tiếng khóc của chúng không hề giống nhau. Họ gọi những âm thanh ấy là những “âm thanh riêng biệt”, giống hệt như dấu vân tay của mỗi người trong chúng ta. Đừng bực mình vì bạn có thể hiểu được tiếng khóc của con mình nhưng lại sai khi phán đoán về tiếng khóc của những trẻ khác. Hãy kiên nhẫn khi đứng trước những tiếng khóc dồn dập của trẻ. Bạn sẽ dần hiểu được ngôn ngữ ấy khi tiếp xúc với bé hằng ngày và giao lưu cùng bé.
Nhịp điệu sinh học phù hợp
Bản năng tự nhiên của người mẹ là đáp ứng mọi nhu cầu của con thông qua tiếng khóc một cách vô điều kiện. Nó giống như một chương trình đã lập sẵn, chỉ chờ thời gian và cơ hội để hoạt động thông qua những phản ứng chăm bẵm, nuôi nấng, chiều chuộng. Người mẹ hầu như không thể “kiềm chế” nổi bản năng ấy. Ngay chính nhịp điệu cơ thể của người mẹ cũng luôn thay đổi để đáp lại những mong muốn của trẻ.
Ngay sau khi thoáng nghe tiếng khóc, một cách hết sức tự nhiên, dòng máu chảy đều trong cơ thể bỗng dưng dồn xuống ngực mẹ kèm theo “mệnh lệnh” giục giã, luẩn quẩn ở trong đầu: Nhanh lên, nhanh lên chứ, phải đến với bé đi mà. Mong muốn cho con bú sữa của mẹ khiến cho lượng Prolactin lên cao. Đây là một loại chất có tác dụng kích thích nội tiết, giúp tuyến vú phát triển và bài tiết sữa. Trong lúc ấy, chất Oxytocin cũng đồng thời hoạt động, gây ra hiện tượng “xuống sữa” ở mẹ. Cho tới lúc bé được ngậm ti, cảm giác hài lòng, mãn nguyện xuất hiện ở cả mẹ và con, giúp mẹ nhanh chóng quên đi những căng thẳng, hoang mang khi nghe thấy tiếng khóc dồn dập của bé cách đây chỉ mới ít phút.
Đối với người cha, dù không “tham gia” vào quá trình sản sinh Prolactin và Oxytocin nhưng nhiều ông bố đã công nhận rằng, họ cảm thấy như cơ thể đang nóng lên khi trẻ bắt đầu khóc. Đây là dấu hiệu “không thể phủ nhận” trong sự kết nối giữa cha và con.
Thái độ của cha mẹ
Điều bạn cần làm lúc này là gì? Đáp ứng ngay yêu cầu của bé hay tảng lờ hoặc bỏ qua? Thực ra, thái độ lạnh lùng sẽ khiến cho tình hình bị đảo lộn và bạn không thể kiểm soát nổi điều gì đang diễn ra. Bé sẽ dễ dàng nhận ra rằng tiếng khóc của bé không có giá trị và trở nên ít muốn “giao tiếp” với cha mẹ. Điều này dẫn đến tình trạng cha mẹ đang mất đi cơ hội hiểu được “tiếng nói” của con và gần gũi hơn với con.
Bên cạnh đó, nhiều đứa trẻ “cứng đầu” lại không muốn bỏ cuộc. Chúng được thể gào khóc to hơn và làm cho vấn đề càng trở nên rối rắm, lộn xộn. Nhiều người mẹ muốn đáp ứng yêu cầu của con, nhưng sợ rằng sau này bé sẽ ỷ lại hoặc càng muốn làm nũng, nhõng nhẽo nên đã tỏ ra cứng rắn. Họ mặc kệ con, không chạy ngay đến bên con, đợi cho đứa trẻ ngừng khóc rồi mới đáp ứng những yêu cầu của bé. Điều này giúp cho bé hiểu được rằng tiếng khóc chẳng giúp gì được cho bé, nhưng cũng đồng nghĩa với việc trẻ mất đi hứng thú muốn giao tiếp với cha mẹ.
Các chuyên gia tâm lý cho biết, cách tốt nhất là hãy đáp ứng yêu cầu của trẻ trong những tháng đầu một cách nhanh nhất. Điều này giúp cho việc “giao tiếp” giữa cha mẹ và em bé ngày càng được hoàn thiện và có cơ hội để hiểu nhau hơn. Khi cha mẹ đáp ứng kịp thời mong muốn của trẻ, trẻ dễ dàng cảm nhận được điều ấy và bớt sự hung hăng, hoảng loạn vào những lần sau, khi trẻ có ý muốn đòi hỏi một điều gì. Chúng sẽ học được cách khóc “dịu dàng” hơn và ít “quấy rối” hơn bởi chúng biết được cha mẹ có thể hiểu được ngôn ngữ của chúng.
Tuy nhiên, bạn vẫn phải điều chỉnh phản ứng của mình tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ. Cha mẹ chỉ nên đáp ứng nhanh chóng yêu cầu của con khi con còn quá nhỏ và đang trong giai đoạn học cách “giao tiếp” bằng tiếng khóc. (Khóc vì bị đói, khóc vì bị lạnh, khóc vì cảm thấy đang bị đe dọa,… ). Tuy nhiên, khi trẻ lớn dần lên, cha mẹ nên phản ứng chậm lại trước những đòi hỏi mà trẻ đưa ra. Lúc này, trẻ cần phải học cách tự giải quyết vấn đề mà không có cha mẹ ở bên. Lưu ý là, quá trình đáp ứng nhanh hay chậm cần phải từ từ chứ không nên thay đổi thái độ ngay lập tức.
Trên thế giới, nhiều lớp học được tổ chức cho các ông bố bà mẹ tương lai trước ngày em bé chào đời. Thật ngạc nhiên là những giáo viên luôn nhấn mạnh bài học: “Đối với trẻ sơ sinh, không có hành động nào của cha mẹ có thể làm hư trẻ”. Điều đó có nghĩa là gì? Là bạn được quyền chăm sóc và chiều chuộng con, được quyền thể hiện tình cảm và sự yêu thương với con, được âu yếm và vuốt ve con hàng ngày. Những hành động ấy thể hiện tình yêu thương của cha mẹ trước con mình nên không có lý do gì khiến bạn phải lảng tránh hoặc cố tỏ ra cứng rắn dù bản thân không hề muốn như vậy.
Học ngôn ngữ của trẻ thông qua tiếng khóc thật không đơn giản. Đó là quá trình giao tiếp hai chiều của cha mẹ với con cái. Hãy hình dung ra cảnh bạn đang phải sống trên hoang đảo với một người mà cả hai chẳng hề biết được ngôn ngữ của nhau. Tuy nhiên, các bạn vẫn phải cố gắng hết sức để giao tiếp. Và con bạn cũng thế, bé muốn dùng tiếng khóc để “nói chuyện” với bạn, đồng thời muốn bạn hiểu được ngôn ngữ ấy
Nỗ lực của bạn trong việc tìm hiểu tiếng khóc của con sẽ được đền đáp bằng những khoảnh khắc trong việc tận hưởng những âm thanh tuyệt diệu nhất của cuộc sống sau này: Tiếng bé cười, tiếng bé bi bô nói… Và chắc chắn rằng, bạn sẽ thực sự thích thú với từng phút giây trôi qua.
Phương Linh (Theo Young Parents)
![]() ![]() ![]() |
© Copyright 2010 - 2023
Email: info@nuoicon.com
Nuoicon.com là Chuyên trang Thông tin kiến thức dành cho mẹ