Tạp chí Mẹ và Bé - Truyền thống mẹ đeo con trên người xuất hiện từ hàng thế kỷ nay, khi những bà mẹ thời nguyên thủy không muốn rời con một phút. Bởi theo họ những em bé chính là những chiến binh tương lai. Và những chiến binh ấy cần được bảo vệ không bị thú dữ tấn công và phải được ăn đúng giờ. Để bé không bị ốm, cần giữ ấm cho bé. Và thế là những bà mẹ quấn chiếc da thú vòng quanh mình và đặt bé vào đó.
Sáng kiến đó đã chứng minh được sự thiết thực của mình hàng trăm năm. Ngày nay con người dùng những tấm vải để địu con và thồ đồ đạc. Chiếc lưới địu con ở Niu Ghi-nê trông giống như chiếc bọc chở khoai tây và lợn. Các bà mẹ Trung Quốc địu con bằng vải thô giống bao tải chở gạo. Còn những người du mục thì cho con vào bọc đeo bên hông lạc đà.
Dù bằng cách nào đi nữa, các nhà dân tộc học cho rằng các loại địu đó đều được coi là sự nối tiếp từ cơ thể người mẹ. Thí dụ như ở Ruanda, người ta dùng một từ để gọi nhau thai của trẻ sơ sinh và tấm da cừu dùng làm địu cho bé. Một vài bộ tộc ở Mali nhuộm màu tấm khăn dùng làm địu bằng màu chàm (indigo), để tưởng nhớ đến nước ối đã từng bao bọc bé trong bụng mẹ.
Địu trước ngực hay sau lưng
Thật thú vị không biết bé thích được “du lịch” ở đâu, trước ngực, trên lưng hay bên hông của mẹ? Đa số các dân tộc trên thế giới nghiêng về những chiếc địu sau lưng. Đơn giản là vì như vậy hai bàn tay mẹ phải được rảnh rang để làm việc. Ví dụ như phụ nữ Pê-ru, họ bận bịu suốt ngày, lúc thì nhóm củi, lúc thì hái quả, lúc thì dệt may. Họ cũng tận dụng thời gian lúc đi bộ để quấn chỉ. Bạn hãy nhìn búp bê cổ truyền Kusco của họ mà xem, đôi tay luôn bận bịu và đằng sau lưng là em bé. Vậy thì bà mẹ kết hợp việc chăm sóc bé và công việc thường nhật như thế nào? Mỗi người có giải pháp riêng. Các bà mẹ ở châu Phi thì chẳng bận tâm cho chuyện vặt, họ thoăn thoắt làm việc và bé thì vẫn bú ngon lành vì được địu ở trước ngực, tương tự như các bà mẹ di-gan vẫn làm.
Đoạn đường đầu
Đa số các nhà nhân chủng học cho rằng sự gắn bó thường xuyên giữa mẹ và con là sự bảo đảm của một nhân cách phát triển tốt. Lấy ví dụ một số bộ tộc ở châu Phi, nơi các bà mẹ không rời con tới một phút. Bé theo mẹ đi khắp nơi: ra đồng làm ruộng, đi dự lễ hội, đi chợ, mặt bé được để thoáng để ngắm nhìn thế giới. Người Mai-a dòng Anh-điêng cũng địu con đi khắp nơi, nhưng vì gió mạnh nên phải che mặt con. Kết quả là con họ lớn lên rất khỏe mạnh và biết chịu đựng nhưng không có trí tò mò. Nhiều nhà nghiên cứu khác lại sẵn sàng tranh luận rằng việc “bé học hỏi, khám phá thế giới trên lưng mẹ” được thổi phồng. Trẻ sơ sinh thường ngủ li bì trên lưng/ngực mẹ chứ chẳng mấy quan tâm đến những gì diễn ra xung quanh. Thế nhưng nhà tâm lý học người Mỹ Eric Ericsson thì cho rằng điều quan trọng nhất trong quá trình “địu” chính là cảm giác tin cậy giữa mẹ và con. Chính điều này giúp bé khi lớn lên tự tin cạnh tranh với bạn cùng lứa. Các bà mẹ Nhật có cách nhìn nhận riêng: “quan trọng nhất là nghi thức!” Chuyện đi đứng và giữ lưng thẳng là truyền thống được giáo dục cho trẻ từ thủa tã lót. Mẹ địu con trên lưng và thực hiện nghi lễ cúi chào thường xuyên khiến bé cũng tham gia và ghi nhớ. Đó là truyền thống mà người Nhật rất tự hào và coi đó là nghi lễ lâu đời bất di bất dịch.
Sáng tạo kiểu dáng
Trên mọi ngóc ngách của thế gian người ta nghĩ ra không thiếu vật liệu nào cho chiếc địu. Dùng vải, dùng cành liễu, dùng thắt lưng và dùng những dải lụa quấn. Còn ở Nê-pan, người ta còn dùng cả giấy để làm địu nữa. Thường thì khí hậu là yếu tố quyết định việc lựa chọn chất liệu. Ví dụ, tại những miền nhiệt đới nóng bỏng ở châu Phi, người ta áp cơ thể trần của bé vào người mẹ và quấn lại bằng vải hoặc thắt lưng. Khi trẻ còn bé, người ta dùng hai tấm vải, một để thắt tay, miếng kia để giữ gáy. Còn ở phương Bắc, người ta địu con bằng các túi có lót lông. Ngoài ra còn có dạng dùng ủng lông (người Eskimo) và mũ lông của áo choàng để địu con.
HÀ LÊ (Theo Cosmopolitan)
![]() ![]() ![]() |
© Copyright 2010 - 2023
Email: info@nuoicon.com
Nuoicon.com là Chuyên trang Thông tin kiến thức dành cho mẹ