Tháng cuối của thai kỳ là thời điểm mà cả mẹ và bé đều cần một chế độ dinh dưỡng đặc biệt, hỗ trợ thai nhi phát triển toàn diện, đặc biệt là cân nặng. Vậy, trong tháng cuối ăn gì để con tăng cân nhanh mà mẹ không béo? Cùng theo dõi bài viết bên dưới nhé!
Tháng cuối thai nhi tăng bao nhiêu cân là hợp lý?
Trong tháng cuối thai kỳ, sự tăng trưởng của thai nhi sẽ diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ. Trung bình, mỗi tuần của tháng cuối, thai nhi có thể tăng khoảng 150 gam. Điều này có nghĩa là trong tháng cuối của thai kỳ, thai nhi sẽ tăng khoảng 500 – 600 gam.
Mẹ bầu cần thường xuyên kiểm tra các chỉ số sức khỏe của thai nhi như cân nặng, chiều dài, vòng đầu và các yếu tố khác theo lịch khám thai định kỳ hoặc theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo sự phát triển đồng đều và khỏe mạnh của bé trong tháng cuối của thai kỳ.
Nhu cầu dinh dưỡng tháng cuối để thai nhi tăng cân tốt
Tháng cuối thai kỳ là thời gian quan trọng để đảm bảo sự phát triển đầy đủ của thai nhi, đặc biệt là việc tăng cân và phát triển hệ xương, cơ bắp, não bộ. Để đạt được điều này, mẹ bầu cần cung cấp đủ dưỡng chất cho cả mẹ và bé, tập trung vào các chất dinh dưỡng cơ bản và vi lượng. Bao gồm:
1. Nhu cầu calo
Trong ba tháng cuối của thai kỳ, thai phụ cần lượng calo cao hơn để hỗ trợ sự phát triển của thai nhi. Mẹ bầu cần bổ sung khoảng 450 calo mỗi ngày so với mức calo bình thường. Do đó, mẹ nên lựa chọn những thực phẩm giàu dinh dưỡng và năng lượng để thai nhi tăng cân hiệu quả mà mẹ không tăng cân quá mức.
2. Các chất dinh dưỡng đa lượng thiết yếu
Để thai nhi phát triển khỏe mạnh và tăng cân hiệu quả, mẹ bầu cần chú trọng vào ba nhóm chất dinh dưỡng đa lượng: Protein, Carbohydrate (Carb) và chất béo (Fat).
Protein: Protein là thành phần quan trọng giúp xây dựng và phát triển cơ bắp của thai nhi. Trong tháng cuối, mẹ bầu cần bổ sung khoảng 91 gam protein mỗi ngày. Các nguồn protein nạc như thịt gà, cá, trứng, sữa và các sản phẩm từ đậu là những lựa chọn tuyệt vời giúp bổ sung đầy đủ protein cho mẹ bầu.
Carbohydrate (Carb): Carb là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể và trong tháng cuối thai kỳ, việc bổ sung lượng carb đầy đủ giúp đảm bảo bé có đủ năng lượng để phát triển. Các loại carb như ngũ cốc nguyên hạt, khoai lang, gạo lứt,… sẽ giúp ổn định lượng đường huyết và không làm tăng cân nhanh cho mẹ.
Chất béo (Fat): Chất béo là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng cho cả mẹ và bé, đồng thời giúp phát triển hệ thần kinh của thai nhi. Mẹ bầu cần bổ sung khoảng 60 – 72 gam chất béo mỗi ngày trong tháng cuối của thai kỳ thông qua các loại thức ăn chứa chất béo lành mạnh như omega-3 từ cá hồi, dầu ô liu, quả bơ,…
Ngoài ba nhóm chất dinh dưỡng đa lượng, các vi chất dinh dưỡng vi lượng như sắt, canxi, folate, vitamin D và omega-3 cũng rất quan trọng và cần thiết cho sự phát triển của thai nhi. Cụ thể:
Sắt: Trong tháng cuối thai kỳ, nhu cầu sắt của mẹ tăng cao vì mẹ cần sản xuất thêm huyết sắc tố để cung cấp đủ oxy cho bé. Sắt có nhiều trong các loại thịt đỏ, đậu, rau lá xanh và các thực phẩm bổ sung sắt.
Canxi: Canxi không chỉ giúp thai nhi phát triển hệ xương chắc khỏe mà còn giúp giảm thiểu nguy cơ loãng xương cho mẹ bầu. Các nguồn canxi dồi dào bao gồm các sản phẩm từ sữa, các loại hạt, rau lá xanh,…
Folate: Folate rất quan trọng trong việc phòng ngừa dị tật ống thần kinh ở thai nhi. Các thực phẩm giàu folate như rau xanh, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt sẽ hỗ trợ tốt cho sự phát triển toàn diện của thai nhi.
Vitamin D và Omega-3: Vitamin D giúp hấp thu canxi và thúc đẩy sự phát triển xương của thai nhi. Omega-3 (đặc biệt là DHA) rất quan trọng cho sự phát triển của não bộ và mắt của thai nhi. Cá hồi, trứng, các loại thực phẩm bổ sung sẽ là lựa chọn tuyệt vời dành cho mẹ và bé.
Thực phẩm tối ưu giúp thai nhi tăng cân nhanh tháng cuối
Để giúp thai nhi tăng cân nhanh mà mẹ không béo, mẹ bầu cần chọn lựa những thực phẩm giàu dinh dưỡng, cung cấp đủ calo mà không làm tăng cân quá mức cho mẹ như:
1. Ưu tiên các nguồn protein nạc
Protein nạc từ các loại thịt gà, cá, trứng, đậu,… sẽ cung cấp đủ lượng protein cần thiết cho sự phát triển cơ bắp, mô và một số cơ quan quan trọng khác của bé mà không khiến mẹ tăng cân quá nhanh. Protein cũng giúp mẹ duy trì đủ nguồn năng lượng trong suốt ngày dài.
2. Carb phức giúp con tăng cân nhanh và an toàn cho mẹ
Các loại carb phức như khoai lang, gạo lứt, yến mạch, ngũ cốc nguyên hạt,… giúp bé tăng cân nhanh nhưng không làm mẹ tăng cân quá mức. Những thực phẩm này không chỉ cung cấp năng lượng mà còn giúp kiểm soát đường huyết, tránh tình trạng tăng cân không kiểm soát. (1)
3. Bổ sung trái cây và rau củ giàu dinh dưỡng
Trái cây và rau củ không chỉ cung cấp vitamin và khoáng chất quan trọng cho cơ thể của mẹ và bé mà còn chứa nhiều chất xơ, giúp mẹ bầu duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Các loại trái cây như chuối, táo, dâu tây, cam và các loại rau lá xanh như cải bó xôi, cải thìa,… là những thực phẩm rất tốt cho sự phát triển của thai nhi.
4. Chất béo lành mạnh cần cho sự phát triển toàn diện của thai nhi
Chất béo lành mạnh từ quả bơ, dầu ô liu, các loại hạt như hạt chia và hạt lanh sẽ giúp mẹ cung cấp đủ năng lượng cho cả cơ thể mà không gây dư thừa calo. Omega-3 có trong cá hồi, trứng và các loại thực phẩm bổ sung còn hỗ trợ sự phát triển não bộ và mắt của bé, đồng thời bảo vệ tốt sức khỏe thai kỳ cho mẹ bầu.
Thai kỳ tháng cuối ăn gì để con tăng cân nhanh?
Bầu tháng cuối ăn gì để con tăng cân nhanh mà mẹ bầu không béo là băn khoăn của nhiều mẹ bầu. ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng cho biết, trong tháng cuối thai kỳ, mẹ bầu cần xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng, khoa học và hợp lý để vừa có thể cung cấp được đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của thai nhi vừa không làm mẹ tăng cân nhanh và nhiều thông qua các loại thực phẩm sau:
1. Sữa và các sản phẩm từ sữa
Sữa là nguồn cung cấp canxi dồi dào, rất quan trọng cho sự phát triển xương và răng của thai nhi. Bổ sung đầy đủ canxi giúp thai nhi hình thành hệ xương vững chắc ngay từ trong bụng mẹ, đồng thời góp phần ngăn ngừa tình trạng loãng xương cho mẹ sau sinh.
Bên cạnh đó, các sản phẩm từ sữa như sữa tươi, sữa chua, phô mai,… còn cung cấp protein chất lượng cao giúp xây dựng, tái tạo các tế bào cơ bắp cho thai nhi đồng thời hỗ trợ sự phát triển các cơ quan quan trọng trong cơ thể bào thai như não bộ, tim mạch. Trong tháng cuối thai kỳ, mẹ nên chọn các loại sữa ít béo, các loại sữa hạt để vừa cung cấp được đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho thai nhi vừa không dung nạp quá nhiều chất béo không cần thiết.
Với nhu cầu năng lượng tăng cao trong tháng cuối thai kỳ, các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, bột yến mạch, bánh mì nguyên cám,… là những nguồn cung cấp carbohydrate phức hợp rất tốt cho cơ thể. Các loại thực phẩm này không chỉ cung cấp nguồn năng lượng cho cơ thể mẹ bầu và thai nhi mà còn giúp duy trì sự ổn định đường huyết của thai phụ, phòng ngừa tình trạng tăng huyết áp và đái tháo đường thai kỳ, bảo vệ tốt sức khỏe cho cả mẹ và bé.
Ngoài ra, ngũ cốc nguyên hạt còn rất giàu chất xơ, giúp duy trì chức năng tiêu hóa khỏe mạnh, phòng ngừa táo bón và giảm cảm giác thèm ăn. Điều này giúp mẹ kiểm soát tốt được cân nặng của mình nhưng vẫn đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất cho sự phát triển của thai nhi.
3. Khoai lang
Khoai lang là nguồn cung cấp carbohydrates phức hợp và vitamin A, giúp hỗ trợ sự phát triển mắt và hệ miễn dịch của thai nhi. Đồng thời, vitamin A còn giúp tăng trưởng tế bào và phát triển các cơ quan khác trong cơ thể, giúp thai nhi có sự phát triển toàn diện.
Bên cạnh đó, khoai lang còn chứa nhiều chất xơ và có mức glycemic index (chỉ số đường huyết) thấp giúp mẹ bầu cảm thấy no lâu, giảm thiểu cơn thèm ăn và tránh được tình trạng nạp quá nhiều calo.
4. Các loại đậu
Đậu là nguồn thực phẩm không thể thiếu trong chế độ ăn của mẹ bầu trong tháng cuối thai kỳ. Các loại đậu như đậu đen, đậu lăng, đậu đỏ, đậu xanh,… chứa nhiều protein thực vật giúp xây dựng các mô và cơ quan của thai nhi. Đồng thời, đậu cũng là nguồn cung cấp sắt dồi dào, một khoáng chất thiết yếu giúp mẹ bầu phòng ngừa thiếu máu và đảm bảo thai nhi nhận đủ oxy qua nhau thai.
Đặc biệt, đậu lăng và đậu đỏ còn rất giàu folate (vitamin B9), giúp ngăn ngừa dị tật ống thần kinh ở thai nhi và hỗ trợ phát triển não bộ. Ngoài ra, các loại đậu cũng chứa chất xơ, giúp cải thiện hệ tiêu hóa và giảm nguy cơ táo bón. Vì vậy, đậu không chỉ giúp tăng cường sức khỏe cho mẹ mà còn giúp thai nhi phát triển trí tuệ và thể chất toàn diện.
5. Các loại hạt
Các loại hạt như hạt chia, hạt lanh, hạt hạnh nhân, quả óc chó,… là những thực phẩm giàu chất béo lành mạnh và omega-3. Omega-3 là axit béo không bão hòa, có tác dụng quan trọng trong việc phát triển hệ thần kinh và mắt của thai nhi. Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, bổ sung đủ lượng omega-3 cho mẹ bầu có thể giúp giảm nguy cơ sinh non, đồng thời hỗ trợ sự phát triển não bộ của thai nhi trong suốt thai kỳ.
Hạt chia và hạt lanh còn chứa lượng lớn chất xơ, giúp duy trì hoạt động ổn định của hệ tiêu hóa. Chất béo lành mạnh trong các loại hạt cũng giúp mẹ bầu duy trì mức cholesterol tốt, giảm nguy cơ bệnh tim mạch và giúp thai nhi phát triển toàn diện.
6. Trứng
Trứng là nguồn cung cấp protein và các axit amin thiết yếu cần thiết cho cơ thể mẹ và thai nhi. Đặc biệt, lòng đỏ trứng rất giàu choline, một dưỡng chất quan trọng cho sự phát triển não bộ và hệ thần kinh của bé. Choline còn giúp cải thiện trí nhớ cho trẻ khi chào đời và thúc đẩy sự hình thành các tế bào thần kinh.
Trứng còn cung cấp một lượng lớn vitamin B12, giúp duy trì sự hoạt động bình thường của hệ thần kinh và hỗ trợ sản xuất hồng cầu. Tuy nhiên, mẹ bầu nên ăn trứng đã nấu chín kỹ để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn Salmonella.
7. Thịt nạc
Các loại thịt nạc như thịt gà, thịt bò, thịt lợn,… là nguồn cung cấp protein chất lượng cao giúp phát triển cơ bắp và các mô của thai nhi. Thịt đỏ, đặc biệt là thịt bò, rất giàu sắt heme (một dạng sắt dễ hấp thu) giúp mẹ bầu ngăn ngừa tình trạng thiếu máu và cung cấp đủ oxy cho thai nhi. Sắt cũng là yếu tố quan trọng giúp hình thành hồng cầu và duy trì sự hoạt động của các cơ quan.
Mẹ bầu nên chọn các loại thịt nạc, hạn chế các phần mỡ để giảm lượng chất béo dư thừa. Thịt nạc không chỉ cung cấp dưỡng chất mà còn giúp tăng cường hệ miễn dịch và cải thiện sức khỏe tổng thể cho mẹ.
Bơ là một trong những loại quả giàu chất béo không bão hòa đơn, rất tốt cho sức khỏe tim mạch của mẹ bầu. Các chất béo lành mạnh này giúp duy trì mức cholesterol ổn định, ngăn ngừa các bệnh về tim mạch và hỗ trợ sự phát triển tế bào của thai nhi. Vitamin E trong bơ cũng giúp bảo vệ tế bào khỏi các tổn thương do gốc tự do, đồng thời hỗ trợ sự phát triển của thai nhi.
Bơ cũng chứa nhiều kali và chất xơ, giúp điều hòa huyết áp, ngăn ngừa táo bón, giảm cảm giác thèm ăn và phù nề, một triệu chứng thường gặp ở mẹ bầu trong tháng cuối. Bổ sung bơ vào chế độ ăn sẽ giúp mẹ bầu cung cấp được đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể mà không lo tình trạng tăng cân mất kiểm soát.
9. Cá hồi
Cá hồi là nguồn cung cấp DHA và omega-3 phong phú, rất quan trọng cho sự phát triển hệ thần kinh và thị lực của thai nhi. DHA giúp hình thành các tế bào thần kinh và tăng cường khả năng nhận thức của trẻ sau khi sinh. Omega-3 giúp giảm nguy cơ sinh non và hỗ trợ quá trình chuyển dạ diễn ra thuận lợi hơn.
Cá hồi còn chứa vitamin D, giúp cơ thể mẹ bầu hấp thu canxi tốt hơn và duy trì sức khỏe xương. Tuy nhiên, mẹ bầu cần lựa chọn cá hồi từ nguồn sạch và tránh các loại cá có hàm lượng thủy ngân cao để bảo vệ tốt sức khỏe của bản thân và thai nhi.
10. Dầu ô liu
Dầu ô liu là một trong những nguồn cung cấp chất béo lành mạnh, giàu axit oleic, giúp cải thiện sức khỏe tim mạch của mẹ bầu. Chất béo này cũng hỗ trợ sự phát triển tế bào của thai nhi và giúp cơ thể mẹ bầu duy trì năng lượng ổn định.
Mẹ bầu có thể sử dụng dầu ô liu để chế biến món ăn hoặc làm nước sốt salad, cung cấp một lượng calo tốt và dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Dầu ô liu cũng rất giàu chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ tế bào khỏi tác động của các gốc tự do.
Chế độ ăn tháng cuối mẹ cần lưu ý gì để con tăng cân đạt chuẩn?
Chế độ dinh dưỡng trong tháng cuối thai kỳ không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi mà còn quyết định đến mức độ khỏe mạnh của mẹ sau khi sinh. Vì vậy, mẹ bầu cần lưu ý một số yếu tố quan trọng trong chế độ ăn để giúp con tăng cân đạt chuẩn mà không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân. Cụ thể:
Xây dựng cấu trúc bữa ăn cân bằng, khoa học: Mẹ bầu cần chú ý đến tỷ lệ cân bằng giữa các dưỡng chất như protein, carb, chất béo trong mỗi bữa ăn. Ngoài ba bữa chính, mẹ có thể bổ sung thêm những bữa ăn nhẹ với các thực phẩm giàu dinh dưỡng để duy trì sự ổn định sức khỏe của cả mẹ và bé.
Cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể: Uống đủ nước rất quan trọng trong suốt thai kỳ, đặc biệt là trong tháng cuối. Mẹ bầu cần uống từ 2 – 2.5 lít nước mỗi ngày để duy trì sự cân bằng nước trong cơ thể, hỗ trợ quá trình trao đổi chất và giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh. Nước còn giúp thai phụ giảm cảm giác mệt mỏi, phù nề, hỗ trợ hệ tiêu hóa và ngăn ngừa tình trạng táo bón.
Các thực phẩm nên tránh sử dụng: Mẹ bầu cần tránh ăn các loại thực phẩm được chế biến sẵn, đồ ăn nhiều đường, chứa nhiều chất béo xấu, chất tạo ngọt nhân tạo. Rượu bia, cafein, các chất kích thích,… cũng nên tránh tuyệt đối để không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Ngoài việc chú trọng đến chế độ ăn uống, mẹ bầu cần lưu ý một số yếu tố quan trọng khác để đảm bảo thai nhi tăng cân khỏe mạnh mà không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ. Bao gồm:
1. Khám thai định kỳ và theo dõi sự phát triển của thai nhi
Khám thai định kỳ là việc làm không thể thiếu trong suốt thai kỳ, đặc biệt là trong tháng cuối. Các bác sĩ sẽ theo dõi sự phát triển của thai nhi qua siêu âm và các xét nghiệm cần thiết để đảm bảo con yêu đang phát triển đúng tiến độ và đạt cân nặng chuẩn. Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ sẽ giúp mẹ phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường, từ đó có phương án can thiệp kịp thời nếu cần thiết.
2. Tuân thủ các chỉ định của bác sĩ
Trong tháng cuối thai kỳ, mẹ bầu cần đặc biệt chú ý đến các chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là khi mẹ mắc các bệnh lý như đái tháo đường thai kỳ, tăng huyết áp,… Việc tuân thủ các chỉ định và lời khuyên của bác sĩ sẽ giúp mẹ kiểm soát được tình trạng sức khỏe của bản thân và đảm bảo thai nhi phát triển toàn diện, an toàn.
3. Giữ tâm lý thoải mái và tránh lo lắng quá mức
Trong suốt thai kỳ, đặc biệt là trong tháng cuối, mẹ bầu thường phải đối mặt với cảm giác lo lắng, mệt mỏi và căng thẳng về việc sinh nở. Tuy nhiên, việc lo lắng quá mức có thể làm gia tăng tình trạng stress và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Mẹ bầu cần cân bằng cảm xúc, giữ tinh thần thoải mái, thư giãn và có những suy nghĩ tích cực. Mẹ có thể tham gia các lớp học tiền sản, thực hiện các bài tập thể dục nhẹ nhàng, thiền, yoga, nghỉ ngơi thư giãn,… để giảm căng thẳng. Duy trì tâm trạng vui vẻ, lạc quan là yếu tố quan trọng giúp mẹ bầu có một thai kỳ suôn sẻ và chuẩn bị tốt cho hành trình vượt cạn sắp tới.
4. Chế độ ăn uống khoa học và thực phẩm giàu dinh dưỡng
Mẹ bầu cần lựa chọn thực phẩm giàu dinh dưỡng và tránh các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe. Điều này không chỉ giúp con yêu tăng cân khỏe mạnh mà còn giúp mẹ bầu duy trì sức khỏe trong suốt thai kỳ.
Những thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất và chất béo lành mạnh như cá hồi, quả bơ, các loại hạt, thịt nạc, ngũ cốc nguyên hạt,… là lựa chọn tối ưu cho chế độ ăn của mẹ bầu. Mẹ cũng cần tránh các thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm nhiều đường và chất béo xấu, vì những thực phẩm này có thể dẫn đến sự tích tụ mỡ thừa và làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe như đái tháo đường thai kỳ, tăng huyết áp,…
![]() ![]() ![]() |
© Copyright 2010 - 2023
Email: info@nuoicon.com
Nuoicon.com là Chuyên trang Thông tin kiến thức dành cho mẹ