Từng nghĩ tiểu đường type 2 chỉ là "bệnh của người già", Minh Anh bàng hoàng khi nhận chẩn đoán mắc bệnh ở tuổi 25.
Minh Anh là nhân viên thẩm mỹ viện ở TP HCM, yêu thích trà sữa, gà rán, và các món ăn vặt giàu đường, chất béo. Mỗi ngày đi làm, cô thường gọi một ly trà sữa size lớn, thêm trân châu, pudding và một phần bánh ngọt; cuối tuần thì tụ tập bạn bè ăn gà rán, đồ nướng... "Mình nghĩ mình còn trẻ, cơ thể khỏe, ăn uống thoải mái một chút cũng chẳng sao", Minh Anh nói.
Nhưng thói quen này khiến cân nặng của Minh Anh tăng từ 52 kg lên 68 kg trong vòng một năm. Cô thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, khát nước, đi tiểu nhiều, đôi khi mờ mắt. Ban đầu, Minh Anh nghĩ đó chỉ là dấu hiệu stress từ công việc. Cho đến tháng 3 vừa qua, khám tại Bệnh viện Y dược TP HCM, bác sĩ thông báo đường huyết của cô ở mức 11 mmol/L (bình thường là 4-6 mmol/L), chẩn đoán tiểu đường type 2.
"Tôi sụp đổ hoàn toàn vì nghĩ mình mới 25 tuổi sao lại mắc bệnh ở người lớn tuổi", Minh Anh kể, thêm rằng cô sợ hãi khi nghĩ đến việc phải chung sống cả đời với căn bệnh.
Còn Tuấn, 22 tuổi, béo phì từ nhỏ, nỗ lực giảm cân nhưng chưa thành công. Mệt mỏi, khát nước, tiểu nhiều, anh khám tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương được chẩn đoán tiểu đường type 2. Bác sĩ đánh giá với độ tuổi 22, nguy cơ chính dẫn đến tiểu đường type 2 là trên nền thể trạng béo phì, chế độ ăn giàu glucid, chất béo, ít vận động.
Minh Anh và Tuấn là hai trong nhiều trường hợp phát hiện bệnh tiểu đường type 2 ở độ tuổi trẻ.
Sự không ổn định đường huyết lâu dài là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh suy thận giai đoạn cuối, phải dùng phương pháp thay thế như lọc thận suốt đời hoặc ghép thận. Ảnh: Phùng Tiên
Những năm 1990, giới chuyên môn cho rằng tiểu đường, còn gọi đái tháo đường, không xảy ra ở trẻ em và thanh thiếu niên. Năm 2002, một báo cáo tại Anh cho thấy có 4 trẻ béo phì da trắng mắc đái tháo đường type 2. Sau đó Canada, Australia, Libya, Nhật Bản và Bangladesh lần lượt báo cáo các trường hợp tương tự.
Ở Mỹ từ giữa năm 2002 đến 2003 ghi nhận tỷ lệ 6-76% thanh thiếu niên từ 10 đến 19 tuổi bị đái tháo đường type 2. Một nghiên cứu khác kéo dài từ năm 2001 đến 2009 cho thấy tăng bệnh nhân cả hai type đái tháo đường, đặc biệt là type 2 tăng đến 30,5%.
Gần đây, báo cáo ở hầu hết quốc gia đều cho thấy tỷ lệ đái tháo đường type 2 tăng ở người trẻ, thậm chí cả trẻ em. Bệnh xuất hiện ở lứa tuổi dưới 35 - độ tuổi trước đây được y văn cho là ngưỡng để phân định type 2.
Tại Việt Nam, hiện có khoảng 7 triệu người mắc bệnh, với tỷ lệ tiền đái tháo đường là 17,8%. Tỷ lệ mắc mới ở độ tuổi 20-79 tăng gấp ba lần từ năm 2000. Đáng lo ngại, khoảng 50% bệnh nhân không được chẩn đoán do thiếu hiểu biết hoặc chủ quan.
Theo PGS.TS Trần Ngọc Lương, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, thói quen ăn đồ ăn nhanh, uống trà sữa, lối sống ít vận động, ô nhiễm môi trường khiến giới trẻ tích tụ nhiều mỡ, tăng béo phì. Một số bạn trẻ thường xuyên sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, ăn uống thiếu điều độ, bỏ bữa vì chơi game, xem tivi gây tình trạng kháng insulin và rối loạn chuyển hóa... dẫn tới bệnh tiểu đường.
Thời kỳ mới phát béo, sự đề kháng hormone tăng lên làm giảm sút hiệu quả của hormone nội tiết. Để khắc phục, tuyến tụy phải hoạt động liên tục khiến chức năng tiết hormone suy giảm và không đủ để duy trì chuyển hóa đường trong máu, gây tiểu đường type 2 ở người trẻ.
Nghiên cứu về béo phì làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2, được công bố trên tạp chí của Hiệp hội châu Âu về nghiên cứu Bệnh tiểu đường (EASD), cho thấy người thừa cân có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 cao hơn khoảng 2,4 lần so với người có mức cân nặng bình thường.
Đái tháo đường là tình trạng tăng glucose trong máu, là bệnh mạn tính, không thể chữa lành. Bệnh gây ra các triệu chứng như khát, đói hay tiểu nhiều; sụt cân; ngứa hoặc tê tay, chân; dễ bị nhiễm trùng; vết thương chậm lành; nhìn mờ; da sẫm màu, thường ở nách và cổ.
"Điều đáng sợ nhất không phải đái tháo đường đang gia tăng với tốc độ rất nhanh trên toàn cầu mà chính là những biến chứng nguy hiểm của bệnh này", PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bích Đào, Chủ tịch Hội Đái tháo đường và Nội tiết TP HCM cho biết.
Sự gia tăng đường huyết nếu không kiểm soát tốt là nguyên nhân hàng đầu gây suy thận giai đoạn cuối, đột quỵ, suy tim, nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực... Không kiểm soát tốt đường huyết còn là thủ phạm gây mù do biến chứng võng mạc, bệnh lý thần kinh ngoại biên...
Thời gian từ khi phát hiện đái tháo đường đến khi xuất hiện biến chứng trung bình khoảng 3-5,2 năm, theo một nghiên cứu. Trong đó, biến chứng xuất hiện sớm nhất sau khi chẩn đoán đái tháo đường thường là bệnh thận mạn.
Hơn 55% người Việt mắc đái tháo đường gặp biến chứng, gồm 34% biến chứng về tim mạch, 39% mắt và thần kinh, 24% thận, làm tăng chi phí y tế, giảm chất lượng cuộc sống.
BS.CK1 Trần Thị Kim Thanh, Trưởng khoa Tim mạch IV - Khoa Nội tim mạch - Chuyển hóa, Bệnh viện Tim Tâm Đức, cho biết người bệnh đái tháo đường có thể được điều trị không dùng thuốc bằng cách ăn uống lành mạnh; tập thể dục hàng ngày bao gồm đi bộ hoặc chạy nhanh, hoặc bơi ít nhất 150 phút/tuần; giảm cân. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định uống thuốc hạ đường huyết hoặc tiêm insulin để kiểm soát bệnh.
Điều trị đái tháo đường quan trọng nhất là kiểm soát chỉ số đường huyết ở mức an toàn. Trên thực tế có nhiều bệnh nhân phát hiện tiểu đường từ năm 24-25 tuổi, sau 3-5 năm áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, giảm cân và dùng thuốc kiểm soát đường huyết vẫn sống khỏe mạnh và làm việc bình thường.
Người dân kiểm tra đường huyết tại Bệnh viện Nội tiết. Ảnh: Thúy Quỳnh
Với Minh Anh, sau cú sốc, cô quyết định tìm hiểu về bệnh và thay đổi lối sống. Cô nhận ra rằng chế độ ăn uống thiếu lành mạnh với quá nhiều đường và chất béo là nguyên nhân chính khiến cơ thể rơi vào tình trạng kháng insulin. Với sự hỗ trợ của bác sĩ và một chuyên gia dinh dưỡng, Minh Anh bắt đầu hành trình lấy lại sức khỏe, ăn uống và tập luyện khoa học.
Thực tế, nhằm đảo ngược bệnh tiểu đường type 2, giảm cân là biện pháp tối ưu. Theo Hiệp hội Tiểu đường Mỹ (ADA), giảm 5% lượng mỡ trong cơ thể nhờ thay đổi lối sống có thể đẩy lùi bệnh tiểu đường.
Minh Anh không chỉ kiểm soát được bệnh mà còn trở thành nguồn cảm hứng cho bạn bè, đồng nghiệp. "Tôi không còn thấy tiểu đường là bản án mà là lời nhắc nhở tôi phải sống tốt hơn, trân trọng sức khỏe của mình hơn", Minh Anh nói.
Tuấn cũng được bác sĩ hướng dẫn kết hợp uống thuốc với giảm cân bằng cách tập thể dục, điều chỉnh chế độ ăn uống, giảm tinh bột, đường, đồ ngọt, tránh căng thẳng. Theo đó, cân nặng thay đổi không chỉ kiểm soát bệnh mà còn giúp cơ thể Tuấn nhẹ nhàng, thoải mái. Anh trở nên khỏe mạnh, tự tin và biết cách chăm sóc sức khỏe nhiều hơn mỗi ngày.
![]() ![]() ![]() |
© Copyright 2010 - 2023
Email: info@nuoicon.com
Nuoicon.com là Chuyên trang Thông tin kiến thức dành cho mẹ