Slide 02Slide 03

Gia tăng ca mắc COVID-19 vào đúng dịp Hè, trẻ đi du lịch có lo mắc bệnh và cần phải lưu ý điều gì?

22.05.2025   |   Sức khỏe

Hiện COVID-19 đang có dấu hiệu quay trở lại, khi các ca mắc được ghi nhận gia tăng. Đây cũng là thời điểm hè, trẻ nghỉ học và đi du lịch nhiều. Vậy làm cách nào để bảo vệ sức khỏe, phòng tránh bệnh, nhất là đối với trẻ nhỏ khi chưa thể tự chăm sóc bản thân?

COVID-19 gia tăng có đáng lo?

Theo thông tin từ Bộ Y tế, thời gian gần đây số ca mắc COVID-19 ghi nhận có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Theo đó, từ đầu năm đến nay ghi nhận rải rác 148 trường hợp và có xu hướng tăng lên trong thời gian gần đây.

Tại Hà Nội, ghi nhận từ các bệnh viện trên địa bàn cho thấy, số ca mắc được ghi nhận có gia tăng, các bệnh viện cũng đã chuẩn bị các phương án để thu dung điều trị. Trong số các ca bệnh mắc COVID-19, đa số là các trường hợp nhẹ, một số ca có biến chứng viêm phổi nhưng chưa ghi nhận biến chứng nặng hay tử vong.

Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, từ ngày 1/5 đến ngày 15/5 bệnh viện tiếp nhận 12 ca bệnh mắc COVID-19, trong đó có 6 ca đang điều trị tại viện. Tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, lãnh đạo bệnh viện cho biết, có ghi nhận rải rác một số ca mắc COVID-19, bệnh viện đang rà soát lại vật tư, trang thiết bị để chủ động tốt nhất trong điều trị, phòng COVID-19.

Còn tại Bệnh viện Nhi Hà Nội, tính từ đầu năm đến nay ghi nhận khoảng 100 ca mắc, trong đó số ca ghi nhận từ đầu tháng 5 tới nay có xu hướng gia tăng. Riêng ngày 19/5, có 18 trẻ mắc bệnh nhập viện. Đa số các ca mắc có triệu chứng nặng, chưa đến mức phải thở máy, nguy kịch nhưng đã có ca biến chứng viêm phổi.

Hiện đã ghi nhận gia tăng số ca mắc COVID-19, trong đó có ở trẻ nhỏ. Ảnh minh họa.

 

Hiện đã ghi nhận gia tăng số ca mắc COVID-19, trong đó có ở trẻ nhỏ. Ảnh minh họa. 

 

 TS.BS Đỗ Thị Thuý Nga, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Hà Nội cho biết, hiện bệnh viện đã chuẩn bị cơ sở vật chất, khu cách ly, thiết bị y tế để tổ chức thu dung, điều trị, cũng như đảm bảo về việc kiểm soát nhiễm khuẩn. Cùng đó tăng cường các biện pháp phòng lây nhiễm, đặc biệt là lây nhiễm qua đường hô hấp để hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Trước diễn biến trên, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, người dân không nên hoang mang, lo lắng vì COVID-19 hiện là bệnh lưu hành, được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm B giống như cúm. Do dịch vẫn tồn tại trong cộng đồng, vì thế việc tăng giảm ca mắc theo chu kỳ là chuyện bình thường, điều quan trọng là không xuất hiện ca nặng hay tử vong. Tuy nhiên, ông Phu cũng lưu ý, dù COVID-19 là bệnh lưu hành, nhưng mọi người không nên chủ quan, nhất là người có nguy cơ cao như bệnh nền, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai… khi mắc bệnh vẫn có thể chuyển nặng, phải nhập viện. 

Cùng quan điểm trên, BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Truyền nhiễm TP.HCM cho biết, hiện đã có miễn dịch cộng đồng, nên trường hợp mắc COVID-19 đa số là nhẹ, cơ bản không khác gì cảm cúm thông thường. Với người có bệnh nền cần đặc biệt lưu ý, không chỉ với COVID-19 mà còn với các bệnh lý khác.

Hè đến người dân đi du lịch nhiều, trẻ nhỏ cần lưu ý điều gì?

Cả hai chuyên gia đều cho rằng, hiện COVID-19 là bệnh lưu hành, vì thế không có khuyến cáo về việc hạn chế đi lại, du lịch như trước đây, nên người dân hoàn toàn có thể di chuyển, đi du lịch bình thường. Trong quá trình di chuyển, mọi người vẫn nên thực hiện theo khuyến cáo phòng bệnh của Bộ Y tế như đeo khẩu trang khi cần, rửa tay, giữ vệ sinh cá nhân, theo dõi triệu chứng… Tại các địa phương cũng nên chủ động tuyên truyền, đưa ra hướng dẫn phòng bệnh cho khách đến du lịch.

Với trẻ nhỏ, ông Trần Đắc Phu cho rằng, thời điểm hè mọi người không quá lo ngại về việc trẻ mắc COVID-19. Theo ông Phu, thời điểm hè trẻ nghỉ học, vì thế không tập trung, tiếp xúc nhiều ở trường lớp như trong năm học, nên nguy cơ lây lan là thấp. Tuy nhiên, vẫn có những trẻ về quê, đi du lịch, đến nơi công cộng nên vẫn có thể mắc bệnh, phụ huynh khi đưa trẻ đi đến những nơi trên, nhất là nơi đông người, có nguy cơ cao cần phải chủ động phòng bệnh.

Dịp hè khi trẻ đi du lịch hoặc di chuyển đến nơi công cộng cần phải chủ động phòng COVID-19. Ảnh minh họa.

Dịp hè khi trẻ đi du lịch hoặc di chuyển đến nơi công cộng cần phải chủ động phòng COVID-19. Ảnh minh họa. 

Theo đó, khi trẻ cùng gia đình đi du lịch, ngoài các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế, cần lưu ý một số điều sau:

- Trước khi đi du lịch (ít nhất 2 tuần) cần tiêm vắc xin, nhất là vắc xin phòng cúm;

- Khi di chuyển chọn phương tiện an toàn, nếu sử dụng phương tiện giao thông công cộng, hãy tuân thủ các biện pháp phòng ngừa như giữ khoảng cách tiếp xúc, hạn chế chạm vào các bề mặt và vệ sinh tay thường xuyên;

- Khi đi biển nên chọn bãi tắm thưa người, có nền nhiệt cao, chưa có COVID-19 lưu hành;

- Giữ khoảng cách ít nhất 2m với những người khác và tránh nói chuyện với người lạ;

- Trước khi xuống tắm và sau khi tắm biển xong, nên sát khuẩn tay sau khi tiếp xúc với bề mặt công cộng, đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người.

- Tại nơi lưu trú, như khách sạn nên đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác, kể cả nhân viên khách sạn.

- Đề nghị nhân viên khử trùng mọi bề mặt tiếp xúc nhiều trong phòng ở, bao gồm chìa khóa, tay nắm cửa, điều khiển từ xa. Nếu có thể, hãy mở cửa sổ để giúp không khi lưu thông cho căn phòng khi bạn đến. Cân nhắc không sử dụng dịch vụ dọn phòng hoặc các dịch vụ phục vụ tại phòng khác để giảm thiểu số lượng người ngoài tiếp xúc với gia đình bạn tại phòng thời gian lưu trú.

- Khi có bất kể triệu chứng nghi ngờ hãy test COVID-19, trường hợp mắc cần có biện pháp phòng bệnh phù hợp, đồng thời đến cơ sở y tế để được hướng dẫn, thăm khám và điều trị (nếu cần).

 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email
Sự Kiện - Tin Tức
Sức khỏe
Giải trí
Phong Cách Sống
Làm đẹp
Gia đình
Nuôi dạy con

Email: info@nuoicon.com

Nuoicon.com là Chuyên trang Thông tin kiến thức dành cho mẹ